Phong tục đón giao thừa trên thế giới

Vào lúc giao thừa, dân các bang miền Nam nước Mỹ cố gắng ăn thật nhiều củ cải và đậu mắt đen, bởi mỗi củ cải sẽ giúp họ kiếm được hẳn 1.000 đôla, còn mỗi hạt đậu tương ứng với 100 cent cho năm mới! Nhưng theo các cụ già, phải xơi ít nhất 365 hạt thì ước muốn này mới ứng nghiệm.

Đốt "Ngài năm cũ" (Mr.Old Year) là phong tục truyền thống của người dân Columbia. Trong dịp năm mới, mọi người trong gia đình cùng nhau làm một hình nộm rất to gọi là "ngài năm cũ", sau đó họ nhét vào bên trong những thứ không cần thiết, đặc biệt là vật có thể gợi nhớ các kỷ niệm buồn trong năm vừa qua, tất cả sẽ được đốt hết vào lúc giao thừa. Phong tục này thể hiện ước vọng muốn rũ sạch những chuyện không vui của năm đã qua và đón chào năm mới một cách lạc quan của người Columbia.

Ở Mexico, các thành viên trong gia đình thường quây quần tại nhà vào giờ phút đón giao thừa. Khi thời khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới điểm, mọi người chăm chú lắng nghe 12 tiếng chuông nhà thờ ngân vang. Sau từng tiếng chuông, mỗi người lại cho một trái nho vào miệng và thầm cầu nguyện.

Người Hy Lạp thì có phong tục kể cho trẻ em nghe các câu chuyện về lòng nhân ái của Thánh Basil - người đã mang đến cho các em những món quà nhỏ còn gọi là "bánh Thánh Basil". Sau đó, các em nhỏ được tặng loại bánh này, ai nhận chiếc bánh có đồng tiền sẽ là người may mắn.

Ở Tây Ban Nha cũng có tục ăn 12 trái nho khi nghe 12 tiếng chuông nhà thờ lúc giao thừa. Điều thú vị là sau mỗi tiếng chuông, hầu như không ai nuốt kịp hết những trái nho và như thế khi năm mới đến, trong miệng mỗi người đều đang đầy chặt loại quả này. Tục lệ ấy cũng thể hiện niềm mong muốn sang năm mới mọi người sẽ có những vụ mùa nho bội thu.

Tết của Thái Lan hơi đặc biệt bởi nó rơi vào ngày 13/4 hằng năm và kéo dài 3 ngày gọi là tết Songkran và mọi người thường té nước vào nhau để chúc may mắn. Bọn trẻ thường nấp ở những góc phố rồi bất chợt ào ra đổ nước khi có người đi qua. Thanh niên thường đi xe máy hoặc ngồi ôtô tải với những thùng nước trong tay để chúc may mắn cho ai đó bằng cách biến họ thành những con chuột lột, nhưng tất cả mọi người đều rất vui vẻ khi bị ướt sũng như vậy.

Ở bang British Columbia của Canada thì mọi người không phân biệt tuổi tác, giới tính, đều mặc đồ tắm và nhảy xuống dòng nước lạnh như băng khi năm mới đến. Ngày đầu năm ở Canada, quốc gia nằm gần Bắc cực, thường trùng với thời điểm lạnh giá nhất của mùa đông.

Người Ấn Độ có phong tục đón Tết kỳ lạ: vào dịp giao thừa, người ta vây quanh đống lửa ca hát, nhảy múa chào đón năm mới và dùng bột mỳ kỳ cọ cơ thể rồi lao vút vào đống lửa. Ở những nơi công cộng, người ta để sẵn thùng bột màu để mọi người tạt vào nhau. Ai bị bôi bột màu sẽ là người được nhiều hạnh phúc trong năm mới.

Trong khi đó ở Scotland, người dân một số vùng lại có cách đón năm mới toát mồ hôi. Mọi người đốt cháy những thùng có chứa nhựa đường bên trong rồi lăn chúng ra phố hoặc ấn tượng hơn là chuyền cái thùng đang rừng rực lửa đó qua vai những người đàn ông dũng cảm. Theo họ, như vậy năm cũ đã đốt đi và mở đường cho năm mới đến. Người Scotland cũng có tục xông đất như ở Việt Nam. Việc gặp may mắn hay xui xẻo trong năm phụ thuộc vào người đầu tiên bước vào nhà trong ngày đầu năm mới. Theo họ, "đối tượng" có thể mang đến vận hên là những người đàn ông có bộ tóc màu đen và đến nhà bạn khi tay đang cầm một món quà.

Người dân Trung Quốc cũng coi than là bùa hộ mệnh. Một viên than giấu vào giấy đỏ đặt ở ngưỡng cửa được coi là niềm may mắn mang lại hạnh phúc cho cả năm. Riêng ở vùng núi Tây Tạng lại có tục lệ xông nhà vào lúc giao thừa, họ kiêng không dùng người trong nhà để xông đất mà phải là người không thân thích với gia chủ.

Các bài liên quan



0 Response

Đăng nhận xét