Người
Mường tỉnh Hòa Bình thường ăn Tết bắt đầu từ ngày 27 – 28 tháng Chạp.
Đối với người Mường, Tết Nguyên Đán là cái Tết quan trọng nhất, to nhất
trong năm. Trong dịp Tết, mỗi nhà tổ chức một bữa cơm thịnh soạn nhất để
dâng tổ tiên và thần thánh, bữa đó gọi là làm Tết.
Bữa làm Tết có thể làm cỗ dâng tổ tiên bằng thịt gà hoặc thịt lợn, xôi, rượu và các đồ lễ khác. Gia
đình nào có cả một con lợn thịt trong dịp Tết thì được coi là ăn nên
làm ra, tổ tiên vui mừng, con cháu hoan hỉ, cỗ bàn đầy đặn, cửa nhà sáng
sủa.
Trong một mâm thờ thường có các lễ vật như bánh chưng và
mật, rượu chai, cơm nếp, thịt luộc, chả rang và dồi, quếch, một ít
tiền, một bát nước lã, trầu cau, mắm muối. Món thịt được bày trên một
mảnh lá chuối. Gia chủ chọn đủ miếng trong một con lợn để bày vào mảnh
lá chuối. Cùng với mâm cỗ Tết, người Mường còn trồng một cây nêu trước
cửa nhà. Nêu được làm bằng cây tre hoặc cây lành hanh, cũng thuộc họ nhà
tre, nhưng thân nhỏ, đốt thưa, thẳng và rất cao.
Sau khi mâm
cỗ đã soạn đủ món được bưng lên đặt vào bàn thờ. Thông thường, bàn thờ
tổ tiên được đặt 3 mâm: mâm ngoài cùng thờ bố mẹ, mâm thứ hai thờ ông
bà, mâm thứ ba (trong cùng) thờ cụ kỵ.
Các vị trí đặt đồ thờ
có thể ở trong nhà hay ngoài sân. Khi các mâm lễ được đặt vào vị trí,
thầy cúng bắt đầu thực hiện khấn lễ. Đầu tiên, ông xướng tên và nơi ngự
của các vị được thờ và lạy từng vị một; tiếp đó là phần trình bày lý do
mời và dắt các vị về tận nhà chủ thờ.
Sau khi các vị đã an
tọa, thầy cúng cùng tất cả con cháu trong nhà lạy chào tổ tiên và thần
thánh. Sau thủ tục lạy chào, thầy cúng bắt đầu khấn dâng; dâng đủ 10
tuần cơm rượu thì được coi là các vị đã thật sự no say; rồi xin mời các
cụ đứng dậy thu dọn đồ đạc trở về nơi ngự; con cháu lại xin được “rút
mâm lui, lùi mâm xuống”, hưởng lộc của các cụ.
Mâm cỗ bày ăn
gồm tất cả các món có trong mâm thờ và thêm món ớt, món nộm thịt thủ
lợn, các loại rau đắng đồ, măng đắng đồ. Trước khi ăn, con cháu xếp hàng
lạy kính các bậc cha mẹ, ông bà.
Người già đứng lên nói lời
chúc cho con cháu sang năm mới mạnh khoẻ, làm ăn giàu có. Sau khi đã ổn
định chỗ ngồi các mâm - tiếng Mường gọi là “buông cỗ” là thủ tục chào
chúc tốt lành, mọi người mời nhau uống rượu, mời ăn các món lần lượt từ
món rau đắng đồ đến món thịt luộc.
Sự mời mọc diễn ra liên tục
suốt cả bữa cỗ, gần như là mỗi lần gắp là một câu hát thường dang, bọ
mẹng, hát ví, mo, kể chuyện tình... làm bữa ăn thêm hoan hỉ. Sự nhiệt
tình của mọi người đem lại niềm vui cho các thành viên trong gia đình.
Tất cả đều thể hiện một ước vọng mong muốn một năm mới nhiều hạnh phúc
và may mắn cho mọi người.
Đêm 30, tức ngày "chín cối tháng ba" theo lịch của người Mường, tất cả con cháu sẽ tụ tập ở đền thờ để làm lễ "khai sáng".
Lễ này được cúng cả bằng lễ chay và bằng lễ mặn. Lễ chay gồm các loại
hoa quả trong vườn, càng nhiều càng tốt, để tổ tiên, thánh thần phù hộ
cho mùa xuân mới nhiều lộc, hoa, trái. Lễ mặn gồm oản, gà, thịt, bánh
dầy, bánh chưng.
Đặc biệt một thủ tục không thể thiếu trong
đêm giao thừa của người Mường đó là một lễ cúng ngoài trời gồm một con
cá diếc và một cái bánh chay. Sáng ra, lễ này được mang cho con trâu ăn
trước, vì họ cũng quan niệm như người Kinh - "con trâu là đầu cơ
nghiệp", cho con trâu ăn trước để con trâu đi làm.
Với người
Mường, việc thờ cúng ngoài trời rất quan trọng nên trong những ngày Tết
nhà ai cũng chuẩn bị cho mỗi thành viên trong gia đình một cây hương để
cúng bản mệnh ngoài trời.
Món ăn trong ngày Tết của người
Mường từ xưa đến nay không bao giờ thiếu bánh chưng và bánh dầy để biểu
hiện trời tròn, đất vuông và cũng là để tưởng nhớ đến ông vua của người
Mường là Vua Lang.
Gia đình nhà nào thờ cúng bao nhiêu người
thì làm bao nhiêu cái bánh chưng. Trong ba ngày Tết, người ta chỉ tết
cha, tết mẹ và tết thầy cúng - những người quan trọng nhất trong quan
niệm của họ.
Trong ngày tết của người Mường, có một phong tục
đặc sắc mà họ còn lưu giữ được là hát sắc bùa. Đây là một thể loại hát
chúc tụng năm mới.
0 Response
Đăng nhận xét